CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Ban hành kèm theo Quyết định số 345/QĐ-CĐKTCN ngày 20/03/2020
của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định
Tên ngành, nghề : Cắt gọt kim loại
Mã ngành, nghề : 6520121
Trình độ đào tạo : Cao đẳng
Hình thức đào tạo : Chính quy
Đối tượng tuyển sinh:
– Học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương
– Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp.
Thời gian đào tạo : 2,5 năm
1. Mục tiêu đào tạo
1.1. Giới thiệu chung về ngành, nghề
Cắt gọt kim loại trình độ cao đẳng là ngành, nghề mà người hành nghề sử dụng các loại máy công cụ vạn năng và điều khiển theo chương trình số như: tiện, phay, bào, mài, doa… để chế tạo các chi tiết đúng yêu cầu kỹ thuật, đạt năng suất và an toàn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo máy, gia công và dịch vụ cơ khí, đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Người hành nghề Cắt gọt kim loại chủ yếu làm việc tại các phân xưởng, nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí, chi tiết máy,…. trong môi trường công nghiệp. Vì vậy, người hành nghề phải có sức khỏe tốt, có đạo đức nghề nghiệp tốt, luôn rèn luyện tính cẩn thận, chi tiết, rõ ràng; xây dựng ý thức nghề và sự say mê nghề, có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng với vị trí công việc.
1.2. Kiến thức
– Phân tích được các ký hiệu vật liệu cơ bản: gang, thép, các loại hợp kim;
– Phân tích được các ký hiệu về dung sai lắp ghép, sơ đồ lắp ghép, chuỗi kích thước;
– Trình bày được đặc điểm, cấu tạo và nguyên lý làm việc của các loại máy công cụ: máy tiện vạn năng, máy phay vạn năng, máy bào – xọc, máy mài, máy tiện CNC, máy phay CNC, máy xung, máy cắt dây…;
– Trình bày được tính chất cơ lý của các loại vật liệu làm dụng cụ cắt (dao, đá mài, vật liệu gia công kim loại và phi kim loại), đặc tính nhiệt luyện các loại thép các bon thường, thép hợp kim và thép làm dao tiện, phay, bào, mũi khoan, mũi doa, đục, giũa… sau khi nhiệt luyện;
– Trình bày được đặc tính của lắp ghép, sai số về hình dáng hình học và vị trí tương quan, độ nhám bề mặt, chuỗi kích thước;
– Trình bày được cấu tạo, nguyên lý làm việc, tính năng kĩ thuật, phạm vi ứng dụng của các dụng cụ đo, cách đo, đọc kích thước và hiệu chỉnh các loại thước cặp, panme, đồng hồ so, thước đo góc vạn năng, đồng hồ đo lỗ…;
– Phân tích được kết cấu của các chi tiết, các cụm máy và xích truyền động của máy;
– Trình bày được nguyên lý hoạt động của động cơ điện không đồng bộ 3 pha, công dụng, cách sử dụng một số loại dụng cụ điện dùng trong máy công cụ;
– Mô tả được các quy tắc, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy nổ, quy trình 5S cho cơ sở sản xuất, các biện pháp nhằm tăng năng suất;
– Phân tích được đặc tính kỹ thuật, cấu tạo, nguyên lý làm việc, phương pháp sử dụng, bảo quản các dụng cụ (gá, cắt, kiểm tra…) trên các loại máy công cụ;
– Trình bày được các phương pháp gia công cơ bản trên máy tiện CNC, máy phay CNC, máy tiện vạn năng, máy phay vạn năng, máy mài, máy doa, máy khoan, máy gia công tia lửa điện … biết các dạng sai hỏng, nguyên nhân và các biện pháp phòng tránh;
– Trình bày được quy trình công nghệ gia công các chi tiết theo yêu cầu;
– Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.
1.3. Kỹ năng
– Vẽ được các bản vẽ chi tiết, bản vẽ lắp đúng yêu cầu kỹ thuật trên phần mềm vẽ kỹ thuật và gia công được chi tiết theo đúng yêu cầu kỹ thuật;
– Chuyển được thành thạo các ký hiệu dung sai thành các kích thước tương ứng để gia công;
– Sử dụng thành thạo các dụng cụ cắt cầm tay như: Đục, giũa các mặt phẳng, khoan lỗ, cắt ren bằng bàn ren, ta rô, cưa tay;
– Sử dụng thành thạo một hoặc nhiều loại máy công cụ như: máy tiện vạn năng, máy phay vạn năng, máy bào – máy xọc, máy mài, máy khoan – máy doa, máy tiện CNC, máy phay CNC;
– Sử dụng thành thạo các dụng cụ kiểm tra, dụng cụ đo;
– Mài được thành thạo các loại dao tiện, dao phay, dao bào, mũi khoan đúng yêu cầu kỹ thuật;
– Phát hiện và sửa chữa được các dạng sai hỏng thông thường của máy, đồ gá. Bảo dưỡng được các thiết bị công nghệ cơ bản;
– Gia công được các chi tiết máy định hình trên máy tiện vạn năng, máy phay vạn năng, máy bào – máy xọc, máy mài, máy khoan – máy doa, máy tiện CNC, máy phay CNC;
– Lập được quy trình công nghệ để gia công một sản phẩm;
– Kiểm tra được chất lượng sản phẩm theo đúng quy định;
– Lập được kế hoạch sản xuất và quản lý thực hiện kế hoạch, thực hiện quy trình 5S;
– Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; khai thác, xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn của ngành, nghề;
– Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào công việc chuyên môn của ngành, nghề.
1.4. Mức độ tự chủ và trách nhiệm
– Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm, giải quyết công việc, vấn đề phức tạp trong điều kiện làm việc thay đổi;
– Hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ xác định tại nơi làm việc;
– Chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm về kết quả công việc được phân công;
– Đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm;
– Chủ động lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công việc;
– Chấp hành tốt ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện tác phong công nghiệp;
– Hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp, trau dồi kiến thức chuyên môn;
– Năng động, sáng tạo trong quá trình làm việc, có tinh thần làm việc nhóm, tập thể, linh hoạt áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất.
1.5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
– Gia công trên máy tiện vạn năng;
– Gia công trên máy tiện CNC;
– Gia công trên máy phay vạn năng;
– Gia công trên máy phay CNC;
– Gia công trên máy bào, xọc;
– Gia công trên máy mài;
– Gia công trên máy doa vạn năng;
– Gia công trên máy xung và trên máy cắt dây;
– Bảo dưỡng hệ thống công nghệ cơ bản;
– Kiểm tra chất lượng sản phẩm.
1. 6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ
– Khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành, nghề Cắt gọt kim loại, trình độ cao đẳng có thể tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn;
– Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành nghề hoặc trong nhóm ngành, nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo.
2. Khối lượng kiến thức và thời gian khóa học:
– Số lượng môn học, mô đun : 31
– Khối lượng kiến thức toàn khóa học : 115 tín chỉ
– Khối lượng các môn học chung/ đại cương : 435 giờ
– Khối lượng các môn học, mô đun chuyên môn : 2.070 giờ
– Khối lượng lý thuyết : 842 giờ (33.6%)
– Khối lượng thực hành, thực tập, thí nghiệm : 1.663 giờ (66.4%)
3. Nội dung chương trình
Mã MH/ MĐ | Tên môn học/ mô đun | Số tín chỉ | Thời gian học tập (giờ) | |||
Tổng số | Trong đó | |||||
Lý thuyết | Thực hành/ thực tập/ thí nghiệm/ bài tập/ thảo luận | Thi/ Kiểm tra | ||||
I | Các môn học chung | 20 | 435 | 156 | 256 | 23 |
MH 01 | Chính trị | 4 | 75 | 41 | 29 | 5 |
MH 02 | Pháp luật | 2 | 30 | 18 | 10 | 2 |
MH 03 | Giáo dục thể chất | 2 | 60 | 5 | 51 | 4 |
MH 04 | Giáo dục quốc phòng và an ninh | 4 | 75 | 35 | 36 | 4 |
MH 05 | Tin học | 3 | 75 | 15 | 58 | 2 |
MH 06 | Ngoại ngữ | 5 | 120 | 42 | 72 | 6 |
II | Các môn học, mô đun chuyên môn | 95 | 2,070 | 686 | 1,289 | 95 |
II.1 | Môn học, mô đun cơ sở | 24 | 405 | 251 | 128 | 26 |
MH 07 | Vẽ kỹ thuật | 4 | 75 | 45 | 25 | 5 |
MH 08 | Dung sai lắp ghép và đo lường kỹ thuật | 2 | 30 | 20 | 8 | 2 |
MH 09 | Vật liệu cơ khí | 2 | 30 | 26 | 2 | 2 |
MH 10 | Cơ kỹ thuật | 3 | 45 | 40 | 2 | 3 |
MH 11 | Autocad | 5 | 90 | 45 | 40 | 5 |
MH 12 | An toàn lao động | 2 | 30 | 20 | 8 | 2 |
MĐ 13 | Nguội cơ bản | 2 | 45 | 15 | 27 | 3 |
MH 14 | Kỹ thuật điện – Điện tử công nghiệp | 2 | 30 | 20 | 8 | 2 |
MH 15 | Kỹ năng mềm | 2 | 30 | 20 | 8 | 2 |
II.2 | Môn học, mô đun chuyên môn | 61 | 1,215 | 435 | 711 | 69 |
MH 16 | Lý thuyết cắt gọt kim loại | 3 | 45 | 35 | 7 | 3 |
MĐ 17 | Tiện trụ ngắn, trụ bậc, tiện trụ dài l»10d | 4 | 90 | 20 | 65 | 5 |
MĐ 18 | Tiện rãnh, cắt đứt | 3 | 60 | 15 | 42 | 3 |
MĐ 19 | Tiện lỗ | 3 | 60 | 15 | 40 | 5 |
MĐ 20 | Phay, bào mặt phẳng ngang, song song, vuông góc, nghiêng, Phay đa giác | 3 | 75 | 15 | 55 | 5 |
MĐ 21 | Phay, bào mặt phẳng bậc, bào rãnh, cắt đứt | 4 | 75 | 30 | 41 | 4 |
MĐ 22 | Tiện côn | 3 | 60 | 15 | 42 | 3 |
MĐ 23 | Tiện ren tam giác | 3 | 60 | 15 | 41 | 4 |
MĐ 24 | Tiên ren vuông, ren thang | 4 | 90 | 20 | 65 | 5 |
MĐ 25 | Phay bánh răng trụ răng thẳng | 3 | 60 | 30 | 26 | 4 |
MĐ 26 | Tiện CNC cơ bản | 5 | 90 | 45 | 40 | 5 |
MĐ 27 | Phay, bào rãnh chốt đuôi én | 5 | 90 | 45 | 40 | 5 |
MĐ 28 | Phay bánh răng trụ răng nghiêng, rãnh xoắn | 6 | 120 | 45 | 69 | 6 |
MĐ 29 | Phay CNC cơ bản | 6 | 120 | 45 | 69 | 6 |
MĐ 30 | Tiện lệch tâm, tiện định hình | 6 | 120 | 45 | 69 | 6 |
II.3 | Thực tập tốt nghiệp | 10 | 450 | – | 450 | – |
MĐ 31 | Thực tập tốt nghiệp | 10 | 450 | 450 | ||
Tổng cộng (I+II) | 115 | 2,505 | 842 | 1,545 | 118 |
4. Hướng dẫn sử dụng chương trình
4.1. Các môn học chung:
Sử dụng 6 môn học chung bắt buộc do Bộ LĐTB&XH ban hành.
4.2. Đơn vị thời gian trong chương trình đào tạo
Một tín chỉ được quy định tối thiểu bằng 15 giờ học lý thuyết và 30 giờ chuẩn tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn hoặc 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận và 15 giờ tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn hoặc bằng 45 giờ thực tập tại cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, làm tiểu luận, bài tập lớn, đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Thời gian tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn là điều kiện để người học tiếp thuc kiến thức, kỹ năng nhưng không tính quy đổi ra giờ tín chỉ trong chương trình.
Một giờ học thực hành/ tích hợp là 60 phút; một giờ học lý thuyết là 45 phút. Một ngày học thực hành/ tích hợp không quá 8 giờ. Một ngày học lý thuyết không quá 6 giờ. Một tuần học không quá 40 giờ thực hành/ tích hợp hoặc 30 giờ học lý thuyết.
4.3. Hướng dẫn nội dung và thời gian cho các hoạt động ngoại khóa
Để giáo dục truyền thống, mở rộng nhận thức về văn hóa xã hội… có thể bố trí cho người học tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Cụ thể gồm:
Stt | Nội dung | Thời gian |
1 | Thể dục, thể thao; văn hóa, văn nghệ | Ngoài giờ học tập chính khóa |
2 | Hoạt động thư viện: Ngoài giờ học, học sinh có thể đến thư viện đọc sách và tham khảo tài liệu | Tất cả các ngày làm việc trong tuần |
3 | Vui chơi, giải trí và các hoạt động đoàn thể | Đoàn thanh niên tổ chức các buổi giao lưu, các buổi sinh hoạt vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm |
4 | Thăm quan, dã ngoại, thanh niên tình nguyện | Mỗi năm 1 lần và vào các dịp hè, đợt tuyển sinh Đại học… |
5 | Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong các Hồ Chí Minh theo chủ đề | Mỗi kỳ 01 buổi vào đầu năm học |
6 | Tổ chức các diễn đàn thanh niên lập nghiệp, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục sức khỏe, giới tính | Mỗi kỳ 01 buổi vào giữa mỗi học kỳ |
– Thời gian được bố trí ngoài thời gian đào tạo chính khoá.
4.4. Hướng dẫn tổ chức kiểm tra hết môn học, mô-đun
4.4.1. Tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ
a) Kiểm tra thường xuyên do giáo viên giảng dạy môn học, mô-đun thực hiện tại thời điểm bất kỳ trong quá trình học theo từng môn học, mô-đun thông qua việc kiểm tra vấn đáp trong giờ học, kiểm tra viết với thời gian làm bài bằng hoặc dưới 30 phút, kiểm tra một số nội dung thực hành, thực tập, chấm điểm bài tập và các hình thức kiểm tra, đánh giá khác;
b) Kiểm tra định kỳ được quy định trong chương trình môn học, mô-đun; kiểm tra định kỳ có thể bằng hình thức kiểm tra viết từ 45 đến 60 phút, chấm điểm bài tập lớn, tiểu luận, làm bài thực hành, thực tập và các hình thức kiểm tra, đánh giá khác;
c) Quy trình kiểm tra, số bài kiểm tra cho từng môn học, mô-đun cụ thể được thực hiện theo quy định của hiệu trưởng, bảo đảm trong một môn học, mô- đun có ít nhất một điểm kiểm tra thường xuyên, một điểm kiểm tra định kỳ.
4.4.2. Tổ chức thi kết thúc môn học, mô-đun
a) Cuối mỗi học kỳ, hiệu trưởng tổ chức một kỳ thi chính và một kỳ thi phụ để thi kết thúc môn học, mô-đun; kỳ thi phụ được tổ chức cho người học chưa dự thi kết thúc môn học, mô-đun hoặc có môn học, mô-đun có điểm chưa đạt yêu cầu ở kỳ thi chính; ngoài ra, hiệu trưởng có thể tổ chức thi kết thúc môn học, mô-đun vào thời điểm khác cho người học đủ điều kiện dự thi;
b) Hình thức thi kết thúc môn học, mô-đun có thể là thi viết, vấn đáp, trắc nghiệm, thực hành, bài tập lớn, tiểu luận, bảo vệ kết quả thực tập theo chuyên đề hoặc kết hợp giữa các hình thức trên;
c) Thời gian làm bài thi kết thúc môn học, mô-đun đối với mỗi bài thi viết từ 60 đến 120 phút, thời gian làm bài thi đối với các hình thức thi khác hoặc thời gian làm bài thi của môn học, mô-đun do hiệu trưởng quyết định;
d) Lịch thi của kỳ thi chính phải được thông báo trước kỳ thi ít nhất 04 tuần, lịch thi của kỳ thi phụ phải được thông báo trước kỳ thi ít nhất 01 tuần; trong kỳ thi, từng môn học, mô-đun được tổ chức thi riêng biệt, không bố trí thi ghép một số môn học, mô-đun trong cùng một buổi thi của một người học;
đ) Thời gian dành cho ôn thi mỗi môn học, mô-đun tỷ lệ thuận với số giờ của môn học, mô-đun đó và bảo đảm ít nhất là 1/2 ngày ôn thi cho 15 giờ học lý thuyết trên lớp, 30 giờ học thực hành, thực tập; tất cả các môn học, mô-đun phải bố trí giáo viên hướng dẫn ôn thi, đề cương ôn thi phải được công bố cho người học ngay khi bắt đầu tổ chức ôn thi;
e) Danh sách người học đủ điều kiện dự thi, không đủ điều kiện dự thi có nêu rõ lý do phải được công bố công khai trước ngày thi môn học, mô-đun ít nhất 05 ngày làm việc; danh sách phòng thi, địa điểm thi phải được công khai trước ngày thi kết thúc môn học, mô-đun từ 1 – 2 ngày làm việc;
g) Đối với hình thức thi viết, mỗi phòng thi phải bố trí ít nhất hai giáo viên coi thi và không bố trí quá 50 người học dự thi; người học dự thi phải được bố trí theo số báo danh; đối với hình thức thi khác, hiệu trưởng quyết định việc bố trí phòng thi hoặc địa điểm thi và các nội dung liên quan khác; h) Bảo đảm tất cả những người tham gia kỳ thi phải được phổ biến về quyền hạn, nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình trong kỳ thi; tất cả các phiên họp liên quan đến kỳ thi, việc bốc thăm đề thi, bàn giao đề thi, bài thi, điểm thi phải được ghi lại bằng biên bản./.