CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Ban hành kèm theo Quyết định số 398/QĐ-CĐKTCN ngày 20/03/2020
của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định
Tên ngành, nghề : Mộc dân dụng
Trình độ đào tạo : Sơ cấp
Hình thức đào tạo : Chính quy
Đối tượng tuyển sinh : Đối tượng tuyển sinh là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học.
Thời gian đào tạo : 03 tháng
1. Mục tiêu đào tạo
1.1. Kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm
– Kiến thức:
+ Trình bày được cấu tạo một số loại gỗ thông dụng.
+ Phân biệt được các khuyết tật của gỗ.
+ Nêu được cách tính giá thành sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ, kệ tivi.
+ Nêu được công dụng, quy trình sử dụng dụng cụ thủ công dùng trong sản xuất sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ, kệ tivi.
+ Trình bày được công dụng, cấu tạo chức năng một số bộ phận chính và quy trình sử dụng của một số máy cầm tay và máy mộc đa năng dùng gia công các chi tiết bàn, ghế, giường, tủ, kệ tivi.
+ Trình bày được quy trình kỹ thuật gia công bàn, ghế, giường, tủ, kệ tivi.
– Kỹ năng:
+ Sử dụng thành thạo các dụng cụ thủ công như: Bào thẩm, bào lau, bào ngang, cưa dọc, cưa mộng, cưa vanh, các loại đục thủ công.
+ Sử dụng được một số máy cầm tay đúng quy trình kỹ thuật như: Máy cưa cầm tay, máy bào cầm tay, máy phay cầm tay, máy khoan cầm tay, máy đánh nhẵn cầm tay.
+ Sử dụng được một số loại máy mộc đúng quy trình kỹ thuật như: Cưa đĩa đa năng, máy bào thẩm, máy bào cuốn, máy cưa vòng lượn…
+ Lựa chọn đúng chủng loại gỗ dùng để gia công bàn, ghế, giường, tủ, kệ tivi.
+ Gia công được sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ, kệ tivi đơn giản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật.
– Năng lực tự chủ và trách nhiệm:
+ Rèn luyện tính cẩn thận, đức tính yêu nghề.
+ Đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường làm việc.
1.2. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
– Trực tiếp sản xuất trong các doanh nghiệp chế biến gỗ.
– Tự tổ chức, sản xuất kinh doanh sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ, kệ tivi.
– Phục chế, sửa chữa các loại bàn, ghế, giường, tủ, kệ tivi đã qua sử dụng.
– Trợ giúp một phần công việc trong các công trình gia công, lắp đặt sản phẩm mộc
2. Khối lượng kiến thức và thời gian khóa học:
– Số lượng môn học, mô đun : 07
– Khối lượng kiến thức toàn khóa học : 15 tín chỉ
– Khối lượng lý thuyết : 75 giờ (22.7%)
– Khối lượng thực hành, thực tập, thí nghiệm : 255 giờ (77.3%)
3. Nội dung chương trình
Mã MH/ MĐ | Tên môn học/ mô đun | Số tín chỉ | Thời gian học tập (giờ) | |||
Tổng số | Trong đó | |||||
Lý thuyết | Thực hành/ thực tập/ thí nghiệm/ bài tập/ thảo luận | Thi/ Kiểm tra | ||||
MH 01 | Đại cương về nghề Mộc dân dụng | 1 | 15 | 5 | 9 | 1 |
MH 02 | Sử dụng dụng cụ thủ công trong sản xuất sản phẩm mộc dân dụng | 2 | 30 | 15 | 13 | 2 |
MĐ 03 | Sử dụng một số máy mộc cầm tay, máy mộc đa năng | 2 | 30 | 15 | 13 | 2 |
MĐ 04 | Kỹ thuật gia công chi tiết | 4 | 90 | 15 | 71 | 4 |
MĐ 05 | Lắp ráp sản phẩm | 2 | 45 | 10 | 33 | 2 |
MĐ 06 | Trang sức bề mặt sản phẩm | 1 | 30 | 5 | 24 | 1 |
MĐ 07 | Gia công một số sản phẩm mộc dân dụng cơ bản | 3 | 90 | 10 | 75 | 5 |
Tổng cộng | 15 | 330 | 75 | 238 | 17 |
4. Hướng dẫn sử dụng chương trình
4.1. Hướng dẫn xác định đơn vị thời gian của hoạt động đào tạo
Một tín chỉ được quy định tối thiểu bằng 15 giờ học lý thuyết và 30 giờ chuẩn tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn hoặc 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận và 15 giờ tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn hoặc bằng 45 giờ thực tập tại cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, làm tiểu luận, bài tập, đồ án (nếu có),
Một ngày học thực hành, thực tập hoặc học theo mô – đun không quá 8 giờ chuẩn. Một ngày học lý thuyết không quá 6 giờ chuẩn;
Một tuần học theo mô – đun hoặc thực hành không quá 40 giờ chuẩn. Một tuần học lý thuyết không quá 30 giờ chuẩn.
4.2. Hướng dẫn tổ chức lớp học và địa điểm đào tạo
Tổ chức lớp
– Lớp học kiến thức nghề, kỹ năng cần thiết khác tối đa 35 người học. Lớp học kiến thức nghề, kỹ năng cần thiết khác dành cho người dân tộc thiểu số ít người, người khuyết tật tối đa 20 người học.
– Lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp tối đa 18 người học. Lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp đối với người dân tộc thiểu số ít người, người khuyết tật, tối đa 10 người học.
– Mỗi lớp có một giáo viên chủ nhiệm phụ trách lớp.
Địa điểm đào tạo được thực hiện linh hoạt tại cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, nơi sản xuất, nhưng phải đảm bảo các điều kiện để dạy và học về mặt bằng, địa điểm học kiến thức nghề; địa điểm học thực hành kỹ năng nghề; phương tiện, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đào tạo,… theo yêu cầu của từng mô – đun, chương trình đào tạo.
4.3. Hướng dẫn tổ chức kiểm tra hết môn, mô – đun
4.3.1. Kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ
Kiểm tra đánh giá thường xuyên được thực hiện tại thời điểm bất kỳ trong quá trình học của học sinh theo từng mô – đun, tín chỉ cụ thể thông qua việc chấm điểm kiểm tra vấn đáp trong giờ học, kiểm tra viết với thời gian làm bài bằng hoặc dưới 30 phút, kiểm tra một số nội dung thực hành, thực tập, chấm điểm bài tập và các hình thức kiểm tra đánh giá khác;
Kiểm tra đánh giá định kỳ được thực hiện tại thời điểm được quy định trong đề cương chi tiết của mô đun, tín chỉ có thể được thực hiện bằng bài kiểm tra viết có thời gian làm bài từ 30 đến 45 phút; làm bài thực hành, thực tập và các hình thức kiểm tra, đánh giá khác.
4.3.2. Cách thức thực hiện kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ
Kiểm tra đánh giá quá trình học do giáo viên giảng dạy mô – đun, tín chỉ thực hiện theo những yêu cầu sau:
– Nội dung kiểm tra là những nội dung được quy định trong mô – đun, tín chỉ đào tạo đã giảng dạy cho học sinh;
– Nội dung cụ thể và hình thức kiểm tra thường xuyên do giáo viên tự quyết định;
– Nội dung và hình thức kiểm tra định kỳ được thực hiện theo quy định trong đề cương chi tiết mô – đun, tín chỉ của chương trình đào tạo.
– Các bài kiểm tra theo hình thức kiểm tra viết, tiểu luận, bài tập sau khi chấm phải trả lại cho học sinh ngay sau khi công bố điểm kiểm tra.
4.3.3. Quy trình kiểm tra, số bài kiểm tra cho từng mô – đun, tín chỉ cụ thể được thực hiện theo quy định, bảo đảm trong một mô – đun, tín chỉ mỗi người học có ít nhất một điểm kiểm tra thường xuyên, một điểm kiểm tra định kỳ.
4.3.4. Học sinh không dự kiểm tra nếu không có lý do chính đáng thì phải nhận điểm 0 (không) cho bài kiểm tra đó. Trường hợp có lý do chính đáng thì được giáo viên giảng dạy mô – đun, tín chỉ tổ chức làm bài kiểm tra bổ sung.
4.4. Hướng dẫn xét công nhận tốt nghiệp
Người học nghề trình độ Sơ cấp, khi hoàn thành các môn học, mô – đun được xét công nhận tốt nghiệp.
4.4.1. Điều kiện được công nhận tốt nghiệp
Người học trình độ sơ cấp được công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
– Có điểm tổng kết khóa học từ 5,0 trở lên theo thang điểm 10;
– Không trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại thời điểm xét công nhận tốt nghiệp.
Trường hợp người học bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập có thời hạn, hết thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật ở mức bị buộc thôi học thì được người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp tổ chức xét công nhận tốt nghiệp.
4.4.2. Công nhận tốt nghiệp Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản đề nghị công nhận tốt nghiệp đối với người học của Hội đồng xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng Nhà trường xem xét ra quyết định công nhận tốt nghiệp và công bố công khai tới người học và trên bảng tin của Nhà trường./.